Bình luận Điều 99 Bộ luật Dân sự năm 2015 của nước CHXHCN Việt Nam (người tham gia bình luận TS. Lê Hoàng Anh Tuấn)

Điều 99. Trách nhiệm về nghĩa vụ dân sự

  1. Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam, cơ quan nhà nước ở trung ương, ở địa phương chịu trách nhiệm về nghĩa vụ dân sự của mình bằng tài sản mà mình là đại diện chủ sở hữu và thống nhất quản lý, trừ trường hợp tài sản đã được chuyển giao cho pháp nhân theo quy định tại khoản 2 Điều này.
  2. Pháp nhân do Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam, cơ quan nhà nước ở trung ương, ở địa phương thành lập không chịu trách nhiệm về nghĩa vụ phát sinh từ quan hệ dân sự của Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam, cơ quan nhà nước ở trung ương, ở địa phương.
  3. Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam, cơ quan nhà nước ở trung ương, ở địa phương không chịu trách nhiệm về nghĩa vụ dân sự của pháp nhân do mình thành lập, bao gồm cả doanh nghiệp nhà nước, trừ trường hợp Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam, cơ quan nhà nước ở trung ương, ở địa phương bảo lãnh cho nghĩa vụ dân sự của pháp nhân này theo quy định của pháp luật.
  4. Cơ quan nhà nước ở trung ương, ở địa phương không chịu trách nhiệm về nghĩa vụ dân sự của Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam, cơ quan nhà nước khác ở trung ương, ở địa phương, trừ trường hợp luật liên quan có quy định khác.

Bình luận:

Việc tham gia vào các quan hệ dân sự sẽ tạo lập ra các quyền và nghĩa vụ cho Nhà nước, cơ quan nhà nước ở trung ương và địa phương, về nguyên tắc, Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam, cơ quan nhà nước ở trung ương, ở địa phương chịu trách nhiệm về nghĩa vụ dân sự của mình bằng tài sản mà mình là đại diện chủ sở hữu và thống nhất quản lý. Thực chất, Nhà nước, cơ quan nhà nước ở trung ương, địa phương xác lập và thực hiện các quan hệ dân sự hướng tới lợi ích của quốc gia, nhân dân, do đó, Nhà nước, cơ quan nhà nước trung ương, ở địa phương chịu trách nhiệm bằng tài sản của toàn dân mà chính Nhà nước hoặc cơ quan là đại diện chủ sở hữu.

Nhà nước, cơ quan nhà nước được quyền thành lập các pháp nhân thương mại và pháp nhân phi thương mại nhằm mục đích phát triển kinh tế hoặc vì mục tiêu xã hội. Các pháp nhân mặc dù được thành lập bởi Nhà nước hoặc các cơ quan nhà nước nhưng những pháp nhân này có tư cách chủ thể độc lập, có tài sản riêng, do đó, chủ thể này không phải chịu trách nhiệm về nghĩa vụ phát sinh từ quan hệ dân sự của Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam, cơ quan nhà nước ở trung ương, ở địa phương.

Mối quan hệ giữa Nhà nước, cơ quan nhà nước và pháp nhân được thành lập mang tính chất hai chiều. Pháp nhân không phải chịu trách nhiệm cho chủ thể thành lập ra chính mình là Nhà nước, cơ quan nhà nước. Ngược lại, Nhà nước, cơ quan nhà nước không chịu trách nhiệm về nghĩa vụ dân sự của pháp nhân do mình thành lập, bao gồm cả doanh nghiệp nhà nước. Tuy nhiên, trường hợp Nhà nước, cơ quan nhà nước bảo lãnh cho nghĩa vụ dân sự của pháp nhân mà mình thành lập thì họ phải chịu trách nhiệm với tư cách là người bảo lãnh theo quy định của pháp luật.

Bên cạnh sự phân định giữa trách nhiệm của Nhà nước, cơ quan nhà nước với pháp nhân do chính Nhà nước, cơ quan nhà nước thành lập thì Điều luật này còn phân định trách nhiệm giữa cơ quan nhà nước với trách nhiệm của Nhà nước và giữa các cơ quan nhà nước với nhau. Theo đó, cơ quan nhà nước ở trung ương, ở địa phương không chịu trách nhiệm về nghĩa vụ dân sự của Nhà nước, cơ quan nhà nước khác, trừ trường hợp luật liên quan có quy định khác

Xem thêm