Bình luận Điều 100 Bộ luật Dân sự năm 2015 của nước CHXHCN Việt Nam (người tham gia bình luận TS. Lê Hoàng Anh Tuấn)

Điều 100. Trách nhiệm về nghĩa vụ dân sự của Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam, cơ quan nhà nước ở trung ương, ở địa phương trong quan hệ dân sự với một bên là nhà nước, pháp nhân, cá nhân nước ngoài

  1. Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam, cơ quan nhà nước ở trung ương, ở địa phương chịu trách nhiệm về nghĩa vụ dân sự do mình xác lập với nhà nước, pháp nhân, cá nhân nước ngoài trong trường hợp sau đây:
  2. Điều ước quốc tế mà Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là thành viên có quy định về việc từ bỏ quyền miễn trừ;
  3. Các bên trong quan hệ dân sự có thỏa thuận từ bỏ quyền miễn trừ;
  4. Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam, cơ quan nhà nước ở trung ương, ở địa phương từ bỏ quyền miễn trừ.
  5. Trách nhiệm về nghĩa vụ dân sự của nhà nuớc, cơ quan nhà nước của nước ngoài khi tham gia quan hệ dân sự với Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam, cơ quan nhà nước ở trung ương, ở địa phương, pháp nhân, cá nhân Việt Nam được áp dụng tương tự khoản 1 Điều này.

Bình luận;

Trong bối cảnh toàn cầu hóa về kinh tế, xã hội, Nhà nước, cơ quan nhà nước Việt Nam thường xuyên có sự hợp tác, giao lưu về mọi mặt với các chủ thể nước ngoài khác. Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam, cơ quan nhà nước ở trung ương, ở địa phương chịu trách nhiệm về nghĩa vụ dân sự do mình xác lập với nhà nước, pháp nhân, cá nhân nước ngoài trong trường hợp sau đây:

– Điều ước quốc tế mà Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là thành viên có quy định về việc từ bỏ quyền miễn trừ.

Luật quốc tế và luật quốc gia phần lớn đều thừa nhận tư cách chủ thể đặc biệt của quốc gia khi tham gia vào mối quan hệ dân sự có yếu tố nước ngoài. Khi tham gia vào quan hệ tư pháp quốc tế, quốc gia được hưởng các quyền miễn trừ trong đó quan trọng nhất là quyền miễn trừ tư pháp và miễn trừ đối với tài sản của quốc gia, gọi chung là quyền miễn trừ của quốc gia. (1) Quyền miễn trừ tư pháp gồm: (a) Miễn trừ quốc gia bị xét xử tại bất cứ Tòa án nào. Nội dung quyền này thể hiện nếu không có sự đồng ý của quốc gia thì không có một tòa án nước ngoài nào có thẩm quyền thụ lý và giải quyết vụ kiện mà quốc gia là bị đơn (trong lĩnh vực dân sự). Các tranh chấp liên quan đến quốc gia phải được giải quyết bằng con đường thương lượng trực tiếp hoặc con đường ngoại giao, trừ khi quốc gia từ bỏ quyền này; (b) Miễn trừ đối với các biện pháp cưỡng chế. Nội dung của quyền này thể hiện trong trường hợp nếu một quốc gia đồng ý để tòa án nước ngoài thụ lý, giải quyết một vụ tranh chấp mà quốc gia là một bên tham gia thì tòa án nước ngoài đó được quyền xét xử nhưng tòa án không được áp dụng bất cứ một biện pháp cưỡng chế nào như bắt giữ, tịch thu tài sản của quốc gia để phục vụ cho việc xét xử. Tòa án chỉ được áp dụng các biện pháp này nếu được quốc gia cho phép; (c) Miễn trừ đối với các biện pháp cưỡng chế nhằm đảm bảo thi hành quyết định của Tòa án. Nếu không có sự đồng ý của quốc gia thì không thể áp dụng các biện pháp cưỡng chế như bắt giữ, tịch thu tài sản của quốc gia nhằm cưỡng chế thi hành bản án đó. (2) Quyền miễn trừ đối với tài sản thuộc quyền sở hữu của quốc gia: Nội dung của quyền này là những tài sản được xác định thuộc quyền sở hữu của quốc gia thì không thể là đối tượng áp dụng các biện pháp tư pháp khi quốc gia đưa vào tham gia các quan hệ dân sự quốc tế. Quyền miễn trừ về tài sản là một nội dung không thể tách rời của quyền miễn trừ của quốc gia và ngày càng thể hiện vai trò quan trọng của mình trong việc bảo vệ hữu hiệu lợi ích của quốc gia khi tham gia vào các quan hệ dân sự quốc tế.

Quy định của khoản 1 Điều luật này được hiểu, quốc gia phải chịu các nghĩa vụ trong quan hệ mà mình xác lập với chủ thể nước ngoài khi quốc gia đã từ bỏ quyền miễn trừ. Việc từ bỏ quyền miễn trừ của quốc gia cần phải được thể hiện rõ ràng trong pháp luật quốc gia, trong điều ước quốc tế mà quốc gia là thành viên hoặc trong các văn bản cụ thể mà quốc gia ký kết.

  • Các bên trong quan hệ dân sự có thỏa thuận từ bỏ quyền miễn trừ: Khác với trường hợp trên, quyền miễn trừ của quốc gia quy định trong các Điều ước quốc tế, thì việc từ bỏ quyền miễn trừ của quốc gia trong trường hợp này xuất phát từ sự thỏa thuận, thống nhất của các bên trong quan hệ. Đặc trưng của quan hệ dân sự là sự tự do ý chí nên Nhà nước, cơ quan nhà nước Việt Nam trong quan hệ với Nhà nước, pháp nhân, cá nhân nước ngoài thì các bên được quyền thỏa thuận về việc từ bỏ quyền miễn trừ. Khi Nhà nước, cơ quan nhà nước Việt Nam đã từ bỏ quyền miễn trừ thì phải chịu các nghĩa vụ phát sinh từ quan hệ mà mình thiết lập.
  • Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam, cơ quan nhà nước ở trung ương, ở địa phương từ bỏ quyền miễn trừ.

Đây là trường hợp, Nhà nước, cơ quan nhà nước từ bỏ quyền miễn trừ theo ý chí, theo sự quyết định của chính mình. Thông thường, việc Nhà nước, cơ quan nhà nước từ bỏ quyền miễn trừ của mình là nhằm tạo ra một cơ chế ngang bằng với các chủ thể nước ngoài đang có quan hệ với họ. Khi Nhà nước, cơ quan nhà nước từ bỏ quyền miễn trừ thì họ phải chịu nghĩa vụ trước Nhà nước, pháp nhân, cá nhân nước ngoài mà họ xác lập quan hệ.

Ngược lại, trách nhiệm về nghĩa vụ dân sự của nhà nước, cơ quan nhà nước của nước ngoài khi tham gia quan hệ dân sự với Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam, cơ quan nhà nước ở trung ương, ở địa phương, pháp nhân, cá nhân Việt Nam được áp dụng tương tự khoản 1 Điều này.

Xem thêm