MẪU ĐƠN TỐ CÁO TỘI VU KHỐNG – ĐIỀU 156 BỘ LUẬT HÌNH SỰ 2015 (SỬA ĐỔI, BỔ SUNG NĂM 2017)
“Điều 156. Tội vu khống.
- Người nào thực hiện một trong các hành vi sau đây, thì bị phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 50.000.000 đồng, phạt cải tạo không giam giữ đến 02 năm hoặc phạt tù từ 03 tháng đến 01 năm:
- a) Bịa đặt hoặc loan truyền những điều biết rõ là sai sự thật nhằm xúc phạm nghiêm trọng nhân phẩm, danh dự hoặc gây thiệt hại đến quyền, lợi ích hợp pháp của người khác;
- b) Bịa đặt người khác phạm tội và tố cáo họ trước cơ quan có thẩm quyền…
Tố cáo hành vi vu khống là biện pháp để bảo vệ quyền lợi của chính bản thân mình.
- ĐƠN TỐ CÁO TỘI VU KHỐNG LÀ GÌ? TẠI SAO PHẢI VIẾT ĐƠN TỐ CÁO?
Đơn tố cáo tội vu khống là một loại giấy tờ phục vụ cho mục đích tố cáo, khiếu nại hành vi vu khống, xúc phạm danh dự, nhân phẩm của người khác đối với mình.
Nộp đơn tố cáo đến cơ quan có thẩm quyền chính là hành động thiết thực để bảo vệ danh dự, nhân phẩm của chính bản thân người bị hại.
2. MẪU ĐƠN TỐ CÁO TỘI VU KHỐNG PHỔ BIẾN
CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập – Tự do – Hạnh phúc
——————————-
…, ngày … tháng … năm …
ĐƠN TỐ CÁO
(V/v: Hành vi có dấu hiệu phạm Tội vu khống; Tội làm nhục người khác)
Kính gửi: …………………………………………………………………………
(Cơ quan có thẩm quyền tiếp nhận)
- Người tố cáo:
- Họ và tên:……………………………………………………………….
- Sinh năm:……………………………………………………………….
- CMND/CCCD số:……………… Ngày cấp:………………….. Nơi cấp:…………………..
- Địa chỉ thường trú:………………………………………………………
- Số điện thoại:……………………………………………………………
- Người bị tố cáo:
- Họ và tên:……………………………………………………………….
- Sinh năm:……………………………………………………………….
- CMND/CCCD số:……………… Ngày cấp:………………….. Nơi cấp:………………….
- Địa chỉ thường trú:………………………………………………………
- Số điện thoại:……………………………………………………………
- Nội dung tố cáo: ……………………………………………………………….
Tôi kính trình bày lại sự việc như sau:
(Trình bày diễn biến, hành vi vu khống người khác, hành vi vi phạm quy định pháp luật nào, thiệt hại gây ra cho người tố cáo)
……………………………………………………………………….……………
- Yêu cầu tố cáo:
Vì những lý do trên, tôi viết đơn này kính đề nghị Quý Cơ quan:
(Xử lý người bị tố cáo hoặc yêu cầu bồi thường)
……………………………………………………………………………………
Tôi cam đoan những sự kiện và tình tiết nêu trên là đúng sự thật nếu sai tôi sẽ chịu trách nhiệm trước pháp luật. Rất mong nhận được sự giúp đỡ của quý Cơ quan. Trân trọng cảm ơn!
Tài liệu, chứng cứ kèm theo:– Bản sao công chứng giấy mời “……”
từ các cơ quan chức năng mời lên làm việc về đơn tố cáo có nội dung liên quan, hoặc vi bằng về việc người khác lan truyền bôi nhọ trên các phương tiện truyền thông. – Bản sao công chứng (tài liệu) chứng cứ vật chất chứng minh việc mình bị tố cáo là bịa đặt …… – Bản sao Căn cước Công dân ……
|
Người tố cáo (Ký, ghi rõ họ tên) |
3. HƯỚNG DẪN VIẾT ĐƠN TỐ CÁO TỘI VU KHỐNG
Khi làm Đơn tố cáo, cần lưu ý, trước bất kỳ tình huống nào, để viết tốt cần phải giải quyết được các vấn đề sau: “Việc gì?; Bởi tại làm sao?; Bao giờ?; Ai biết? Thế nào?; Ở đâu?.”
Nội dung đơn tố cáo phải trình bày rõ ràng diễn biến của hành vi phạm tội theo trình tự; việc gì, bởi tại làm sao, bao giờ, ai biết, thế nào, ở đâu. Điều này sẽ giúp cơ quan có thẩm quyền xác định nhanh chóng và chuẩn xác liệu hành vi đó có phạm tội vu khống hay không và thẩm định, xác minh đơn theo quy định.
Dưới đây là một ví dụ minh họa, hướng dẫn chi tiết Đơn tố cáo hành vi vu khống xâm phạm danh dự, nhân phẩm: Bịa đặt người khác phạm tội và tố cáo họ trước cơ quan có thẩm quyền.
Nội dung tố cáo: Hành vi có dấu hiệu phạm Tội vu khống, Tội làm nhục người khác, bịa đặt mình phạm tội và tố cáo mình trước cơ quan có thẩm quyền…
Bà Nguyễn Thị Thu H – người bị ông H bịa đặt tố cáo bà Thu H trước cơ quan có thẩm quyền….
CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập – Tự do – Hạnh phúc
——————————-
…, ngày … tháng … năm …
ĐƠN TỐ CÁO
(V/v: Hành vi có dấu hiệu phạm Tội vu khống; Tội làm nhục người khác)
Kính gửi: ………………(Cơ quan có thẩm quyền tiếp nhận)
Tên tôi là Nguyễn Thị Thu H;
Sinh năm ………; Căn cước số: ……….. cấp tại Cục CSQLHC về TTXH;
Nơi ở hiện tại: ………….
Kính thưa Quý cơ quan, xin cho phép tôi được trình bày với Quý lãnh đạo về một vụ việc như sau:
Ngày … tháng … năm …, tôi nhận được giấy mời của Công an huyện ĐL, tỉnh T mời lên làm việc liên quan tới Đơn tố cáo của ông H (sinh năm 1979, Căn cước số: …..; HKTT: tại………) tố cáo tôi có dấu hiệu lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản. Ngày…., tôi có buổi làm việc với cán bộ B (thuộc Cơ quan CSĐT) tại Công an huyện ĐL theo giấy mời trên. Tại buổi làm việc, tôi được cán bộ B thông tin rằng ông H tố cáo và đòi tôi phải nhận nợ, trả lại cho ông H số tiền 230.000.000 (Hai trăm ba mươi triệu đồng).
Sau khi xem xét nội dung tố cáo, tôi thấy rằng những việc ông H đưa ra trong đơn là hoàn toàn bịa đặt, vu khống, làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến danh dự và quyền lợi chính đáng của tôi. Liên quan tới nội dung này, tôi xin nêu từng vấn đề của sự việc và chứng minh những việc ông H đưa ra là vu khống, bịa đặt, xúc phạm nghiêm trọng danh dự của người khác, cụ thể như sau:
Thứ nhất, “Giấy thỏa thuận mua chung đất rẫy giữa tôi và ông H” ngày ……. là vô hiệu vì có yếu tố gian dối (theo quy định tại Điều 132, Bộ luật Dân sự 2015). Trong sự việc này, ông H đã cố ý đưa ra các thông tin sai lệch. Cụ thể, theo lời ông H trước khi ký kết thì sau khi ký thỏa thuận trên, ông H sẽ chuyển tiền cho tôi làm cho tôi tin tưởng nên đã ký giấy thoả thuận nêu trên (có minh chứng kèm theo). Tuy nhiên, sau khi tôi ký xong, ông H không chuyển tiền cho tôi như đã thỏa thuận.
Thứ hai, tôi hoàn toàn ngay tình khi xác lập giấy thỏa thuận mua chung đất rẫy trên, bởi tôi là chính chủ hợp pháp của thửa đất rẫy (tờ bản đồ số….. thửa …. diện tích ….m2 tại…..). Do đó, việc tôi bán, cho tặng, cầm cố thửa đất trên là quyền của tôi không liên quan đến sự ràng buộc nào giữa tôi và ông H. Mặt khác, theo quy định tại Điều 137 Bộ luật Dân sự 2015 về hậu quả pháp lý của hợp đồng vô hiệu thì các bên phải hoàn trả cho nhau tất cả những gì đã nhận và bên có lỗi phải bồi thường thiệt hại. Trong trường hợp này tôi chưa nhận tiền của ông H nên thỏa thuận này là vô hiệu. Tuy nhiên, khi vu cáo tôi lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản, ông H không hề đưa ra được bất kỳ chứng cứ nào bởi trên thực tế, tôi chưa từng nhận tiền của ông H.
Trên cơ sở nội dung đã nêu, tôi kính đề nghị cơ quan có thẩm quyền xác minh, làm rõ buộc ông H phải bồi thường thiệt hại cho cá nhân tôi. Việc ông H làm đơn tố cáo tôi lên cơ quan có thẩm quyền đã ảnh hưởng nghiêm trọng đến uy tín, danh dự của tôi.
Kính thưa các quý Quý cơ quan, hành vi bịa đặt nhằm bôi nhọ danh dự, nhân phẩm người khác của ông H đã có dấu hiệu của Tội Vu khống được quy định tại Điều 156 Bộ luật Hình sự 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2017). Mặt khác, tôi cũng đề nghị Quý lãnh đạo xem xét làm rõ động cơ, hành vi của ông H vu khống cá nhân tôi để xử lý theo quy định của pháp luật. Theo khoản 1 Điều 20 Hiến pháp nước CHXHCN Việt Nam năm 2013 quy định: “Mọi người có quyền bất khả xâm phạm về thân thể được pháp luật bảo hộ về sức khoẻ, danh dự và nhân phẩm…” Đây là quyền thiêng liêng của công dân, tuyệt đối bất khả xâm phạm. Hành vi của ông H đã gây thiệt hại nặng nề về sức khỏe, danh dự, nhân phẩm đối với tôi. Đây là hành vi xâm phạm nghiêm trọng quyền công dân – những quyền con người rất chính đáng đã được Hiến pháp và pháp luật ghi nhận. Hành vi này phải bị xử lý theo quy định của pháp luật, góp phần bảo vệ công lý, bảo vệ nhân phẩm, danh dự của công dân.
Hành vi phạm của ông H đã gây ra hậu quả đặc biệt nghiêm trọng cụ thể như sau:
Hậu quả đối với xã hội: Làm xói mòn niềm tin, gây nên dư luận xấu đối với tập thể cán bộ, công nhân viên (nơi tôi đang công tác) nói riêng và cộng đồng nói chung.
Các tổn thất đối với cá nhân tôi:
1) Để tiến hành và theo đuổi vụ việc trên về các thủ tục pháp lý liên quan đến việc kiện tụng đã làm tôi bị mất thu nhập từ các công việc khác, hao tổn tiền bạc, phải chI trả các kinh phí đi lại. Mặt khác, tôi phải xin nghỉ việc để giải quyết những hậu quả mà ông H đã gây ra cho tôi…
2) Trong quá trình giải quyết với ông H tôi bị uất ức, phiền muộn gây ảnh hưởng nghiêm trọng về sức khỏe, tinh thần, danh dự, gia đình lục đục, bạn bè và người thân xa lánh, mất niềm tin từ các mối quan hệ xã hội và đồng nghiệp, phá vỡ con đường sự nghiệp của tôi, hiện nay tôi rơi vào tình trạng tồi tệ, tinh thần bấn loạn sức khỏe giảm sút, tinh thần suy sụp nghiêm trọng… Hành vi bịa đặt trắng trợn, tố cáo của ông H đối với tôi, đã để lại hậu quả rất lớn, làm hạn chế rất nhiều trong công việc cũng như làm xáo trộn cuộc sống bình thường của tôi. Để bảo vệ danh dự, nhân phẩm, uy tín của mình đồng thời ngăn chặn hành vi nêu trên.
Tôi kính được đề nghị Quý Cơ quan xem xét và giải quyết như sau:
Thứ nhất, yêu cầu ông H phải bồi thường thiệt hại về việc cố ý bịa đặt xúc phạm, bôi nhọ danh dự, nhân phẩm của tôi;
Thứ hai, xác minh, điều tra, làm rõ hành vi vi phạm, khởi tố vụ án hình sự, khởi tố bị can và xử lý theo quy định tại Điều 156 Bộ luật hình sự và tội làm nhục người khác được quy định tại Điều 155 Bộ luật Hình sự năm 2015, trả lại công bằng và bảo vệ cuộc sống bình yên cho tôi, bảo đảm an ninh trật tự, an toàn xã hội, bảo vệ quyền con người theo quy định của Hiến pháp.
Do vậy, tôi làm đơn này kính mong các quý cơ quan xem xét giải quyết đơn tố cáo của tôi đồng thời xử lý nghiêm hành vi vi phạm pháp luật của ông H.
Tôi cam đoan tất cả những tình tiết đã trình bày trong đơn tố cáo là hoàn toàn đúng sự thật, nếu sai tôi sẽ chịu hoàn toàn trách nhiệm trước pháp luật.
Trân trọng cảm ơn./.
(Mọi vấn đề cần trao đổi cụ thể, đề nghị liên hệ qua số điện thoại: 09********)
NGƯỜI VIẾT ĐƠN
Nguyễn Thị Thu H
- THỦ TỤC NỘP VÀ XỬ LÝ ĐƠN TỐ CÁO TỘI VU KHỐNG
Việc giải quyết đơn tố cáo về hành vi Vu khống thường được thực hiện theo trình tự các bước như sau:
Bước 1: Bạn nộp đơn trình báo, tố giác tội phạm (thường được gọi là đơn tố cáo hành vi vu khống) lên cơ quan Công an xã/phường hoặc Công an quận/huyện nơi hành vi đã được xảy ra.
Bước 2: Cơ quan công an kiểm tra, xác nhận thông và ra quyết định.
Trong thời hạn hai mươi ngày, kể từ ngày nhận được tố giác, tin báo về tội phạm, Cơ quan công an trong phạm vi trách nhiệm của mình phải kiểm tra, xác minh nguồn tin và quyết định việc khởi tố hoặc quyết định không khởi tố vụ án hình sự.
Trong trường hợp sự việc bị tố giác có nhiều tình tiết phức tạp hoặc phải kiểm tra, xác minh tại nhiều địa điểm thì thời hạn để giải quyết tố giác có thể dài hơn, nhưng không quá hai tháng căn cứ theo Điều 147 Bộ luật Tố tụng Hình sự 2015. và tại Khoản 1, Điều 11 Thông tư liên tịch số 01/2017 quy định việc phối hợp giữa các cơ quan có thẩm quyền trong việc thực hiện một số quy định của bộ luật tố tụng hình sự năm 2015 về tiếp nhận, giải quyết tố giác, tin báo về tội phạm, kiến nghị khởi tố, (tổng thời hạn kể cả gia hạn là 4 tháng).
Bước 3: trường hợp việc giải quyết không thỏa đáng, bạn có thể làm đơn khiếu nại.
Nếu quá thời hạn nêu trên theo quy định mà Cơ quan công an không giải quyết hoặc giải quyết không thỏa đáng thì bạn có thể làm đơn khiếu nại gửi Thủ trưởng Cơ quan công an đó để yêu cầu giải quyết nhằm đảm bảo quyền và lợi ích hợp pháp cho bạn.
- LUẬT SƯ, CHUYÊN GIA
Nên tìm Luật sư, chuyên gia giàu kinh nghiệm về thực tiễn, giỏi về chuyên môn, nhiệt huyết và thiện tâm…
Những việc cần Luật sư, chuyên gia hỗ trợ bao gồm;
- Tư vấn thu thập và chuẩn bị chứng cứ;
- Soạn thảo hồ sơ khởi kiện trong trường hợp khởi kiện;
- Luật sư bảo vệ tại tòa án.
BTV. Huyền Không